Trong những chuyến du lịch xa, cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm tốt nhất là phải chọn... nhà bếp để gửi sức khỏe. Nguồn lây nhiễm đáng sợ nhất là nguồn nước và tay người bán hàng. Vì vậy, nên chọn các hàng quán sạch sẽ, xa cống rãnh, thức ăn được đặt trong các vật dụng sạch sẽ, người bán có mang găng tay, không tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, sàn nhà không có rác...
Nước đá cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu. Tốt nhất nên uống các loại nước uống đã được đóng chai hoặc đóng kín ướp lạnh, khi uống không cần thêm đá vào.
Với các thực phẩm chế biến sẵn, nên ăn ngay trong vòng 2 giờ sau khi chế biến. Các chất dinh dưỡng trong thực phẩm bị biến chất, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng, có thể gây ngộ độc ngay cả khi không bị nhiễm vi sinh vật. Thực phẩm có nước dừa phải được giữ nóng liên tục.
Đồ hộp cũng khá tiện dụng khi đi du lịch, nhưng cần lưu ý về thời hạn sử dụng, không móp méo, gỉ sét... Khi nắp hộp phồng lên chứng tỏ đã có sự phát triển của vi khuẩn yếm khí, độc tố của chúng có thể gây triệu chứng thần kinh nghiêm trọng.
Có một số loại thực phẩm tự bản thân mang sẵn các độc chất như cóc, cá nóc, rắn độc, đẻn, khoai mì cao sản, một số loại nấm lạ... Tốt nhất là không nên thử các thức ăn quá đặc biệt, quá lạ dù cho được giới thiệu đó là loại đặc sản hiếm hoi, ít có cơ hội thử.
Ngoài ra, với những người có cơ địa dị ứng, hoặc những người có bệnh lý cần kiêng khem đặc biệt. Tốt nhất nên chuẩn bị sẵn thuốc kháng dị ứng trước khi quyết định khám phá món lạ. Sốc phản vệ do thức ăn hiếm xảy ra, nhưng hiếm không phải là không có, mà khi đã xảy ra thì hậu quả thường không lường được